Top 40 Thương Hiệu Đắt Giá Nhất Việt Nam 2018

thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam

Vừa qua, Tờ báo Forbes Việt Nam đã công bố Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này (bắt nguồn lần đầu tiên năm 2016).

Đáng chú ý, tổng giá trị thương hiệu của 40 đơn vị trong danh sách đã tăng đến hơn 50% so với năm 2017. Đây là dấu hiệu tích cực với nền kinh tế Việt Nam. Lý giải cho điều này chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.

2018 cũng là năm đáng nhớ của nền kinh tế nước nhà khi các tập đoàn Top Đầu liên tục thay đổi sản phẩm, mở rộng thị trường khiến cho doanh thu tăng trưởng đột phá, kéo cả nền kinh tế đi lên.

Top 10 thương hiệu giá trị nhất

Trong 10 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam 2018, Vinamilk vẫn hiên ngang đứng đầu lần thứ 3 liên tiếp. Tiếp ngay sau đó là đơn vị Tập đoàn Viễn thông Viettel. Đáng chú ý là sự tụt hạng của FPT khi bất ngờ được xếp ở vị trí thứ 10. Bên cạnh đó cũng có nhiều thương hiệu lần đầu có mặt trong Danh sách như VNPT, Vinhomes, Vinaphone…

#1. Vinamilk

Năm thành lập: 1976

Giá trị: 2.282,7 triệu đô la Mỹ

Lần thứ ba liên tiếp công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) dẫn đầu danh sách các thương hiệu giá trị nhất do Forbes Việt Nam công bố. Là một trong các thương hiệu đại chúng nhất, Vinamilk cung cấp khoảng 250 sản phẩm khác nhau phục vụ nhiều nhóm đối tượng với đa dạng nhu cầu. Trừ sản phẩm sữa bột, phần lớn trong chế phẩm từ sữa của Vinamilk đều đứng đầu về thị phần ở thị trường nội địa.

thương hiệu Vinamilk

Sản phẩm sữa Vinamilk cũng đã xuất khẩu sang 35 Quốc Gia và Vùng Lãnh Thổ khác nhau, chiếm 15% tổng doanh thu của năm 2018. Những năm qua Vinamilk là một trong các công ty F&B nội địa rót nhiều tiền nhất vào quảng cáo. Không chỉ chú trọng vào kênh tiếp thị truyền thống, họ còn hoạt động rất mạnh trên các kênh tiếp thị số (digital communication), đặc biệt là Youtube và mạng xã hội.

Clip ca nhạc Vợ người ta biến tấu cho nhãn hiệu sữa bột trẻ em Dielac đã đạt hơn 100 triệu lượt xem và đoạt giải quán quân trên bảng xếp hạng Quảng cáo Youtube Châu Á – Thái Bình Dương 2017.

#2. Viettel

Năm thành lập: 1989

Giá trị: 1.390 triệu đô la Mỹ

Tuy thị trường viễn thông trong nước đang tăng trưởng chậm lại, nhưng doanh thu năm 2017 của Tập đoàn Viễn thông Quân Đội (Viettel) vẫn tăng trưởng gần 10% và chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam (khoảng 47%).

thương hiệu Viettel

Ở mảng đầu tư nước ngoài, các hạng mục của Viettel tại thị trường Châu Phi và Châu Mỹ tiếp tục tăng trưởng giúp doanh nghiệp này đạt mức tăng trưởng 38%. Tổng số khách hàng sử dụng viễn thông tại nước ngoài của Viettel đến cuối năm 2017 đã chạm ngưỡng 43 triệu người ở 11 Quốc Gia.

Giữa năm 2018, Viettel tiếp tục khai trương mạng di động nước ngoài thứ 12 tại Myanmar.

#3. VNPT

Năm thành lập: 1995

Giá trị: 416 triệu đô la Mỹ

Tiền thân là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, sau đó chuyển thành Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào năm 2006. Sau khi tái cấu trúc, tập đoàn hiện có mạng lưới dịch vụ phủ song ở toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước. VNPT hiện có khoảng trên 30 triệu thuê bao di động, gần 10 triệu thuê bao cố định và thuê bao Internet.

Do lịch sử hình thành và phát triển, các công ty trực thuộc VNPT có thế mạnh nhất định trong cung ứng dịch vụ như viễn thông quốc tế, điện toán và truyền số liệu…

thương hiệu VNPT

VNPT hiện chiếm gần 50% thị phần Internet cáp quang ở Việt Nam. Với Slogan “Cuộc sống đích thực trong kỷ nguyên số”, các đơn vị thành viên của VNPT tập trung phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới như các giải pháp nông nghiệp thông minh, kết nối các thiết bị thông minh trong nhà.

Về người sử dụng, tháng 6 năm 2018, VNPT ra mắt ứng dụng My VNPT để khách hàng có thể quản lý trực tuyến các dịch vụ mà mình sử dụng như Internet, di động, điện thoại cố định,…

#4. Sabeco

Năm thành lập: 1975

Giá trị: 393 triệu đô la Mỹ

Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có lịch sử hơn 140 năm và đang dẫn đầu thị trường bia Việt Nam với hơn 40% thị phần cùng sản lượng 1,7 tỉ lít bia vào năm 2017.

thương hiệu Sabeco

Được biết đến nhiều nhờ các sản phẩm như Sài Gòn Special, Sài Gòn Export hay Sài Gòn Lager. Bản thân Bia 333 của doanh nghiệp này cũng nằm trong Top 5 thương hiệu bia nổi bật trên truyền thông xã hội năm 2017, sánh vai cùng với nhũng thương hiệu bia ngoại như Heineken hay Tiger.

Sau khi bán hơn 53% cổ phần cho ThaiBev, Sabeco đang hướng tới tăng thị phần lên 50% thông qua hệ thống phân phối của hãng bia Thái Lan.

#5. Vinhomes

Năm thành lập: 2008

Giá trị: 384 triệu đô la Mỹ

Vinhomes là thương hiệu bất động sản cao cấp của Tập đoàn Vingroup. Các dự án của Vinhomes đều có vị trí đắc địa tại các tỉnh thành trọng điểm trên cả nước. Nổi bật nhất là các dự án Royal City, Times City (Hà Nội); Central Park, Golden River (TP.HCM).

Điểm chung của các dự án mang thương hiệu Vinhomes là cung cấp cho cư dân cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại nhất: hệ thống trường học Vinschool, bệnh viện quốc tế Vinmec, tổ hợp mua sắm giải trí Vincom và hệ thống siêu thị VinMart.

thương hiệu Vinhomes

Năm 2018, Vinhomes xác lập kỷ lục khi giá trị công ty được định giá 13,5 tỉ đô la Mỹ qua đợt IPO chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là dấu mốc mà theo các chuyên gia cùng giới kinh doanh chứng khoán phân tích rằng có thể sẽ rất lâu nữa mới có một doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể vượt qua.

Theo công ty nghiên cứu, môi giới bất động sản CBRE, Vinhomes hiện là thương hiệu bất động sản nhà ở hàng đầu Việt Nam với thị phần khoảng 15% tính trên tổng số lượng căn hộ đã bán ở Hà Nội và TP.HCM giai đoạn 2015 – 2017.

Vinhomes sở hữu một quỹ đất bao gồm các dự án đã mở bán và các dự án đang phát triển lên tới 16.410 héc ta tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh… và hiện tại còn đến 90% đang chờ phát triển.

Tiền thân của Vinhomes là công ty cổ phần Đô thị BIDV – PP, được thành lập vào đầu năm 2008 với dự án đầu tiên là tòa tháp đôi Vincom BIDV Bà Triệu (Hà Nội). Công ty bất động sản này còn đang có kế hoạch triển khai các dự án bất động sản có giá bán trung bình mang tên VinCity.

#6. Vinaphone

Năm thành lập: 1996

Giá trị: 308 triệu đô la Mỹ

Sau 22 năm hoạt động, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VinaPhone), hiện là nhà mạng di động lớn thứ ba thị trường. đứng sau Viettel và MobiFone. Nhà mạng với Slogan “Không ngừng vươn xa” này trong thời gian gần đây nỗ lực làm mới mình bằng các dịch vụ đi kèm trên di động, cũng như các hoạt động thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Trong cuộc khảo sát kéo dài hai tháng kể từ tháng 1/2018 nhằm đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng do IDG Việt Nam và hội Truyền thông số tổ chức, VinaPhone được xếp đầu về nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet bang thông rộng di động.

thương hiệu Vinaphone

Việc bình chọn này được IDG Việt Nam dựa trên bốn tiêu chí gồm: tốc độ tải dữ liệu, tốc độ đăng dữ liệu, sử dụng dịch vụ truyền hình và sử dụng mạng xã hội. Năm 2017, theo kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng, VinaPhone đã được bình chọn là nhà mạng 4G có chất lượng chăm sóc khách hàng tiêu biểu.

Tháng 3/2018, doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn Bưu chính Viễn thông này tổ chức cuộc thi âm nhạc dành cho các ban nhạc trong nước. Sự kiện âm nhạc ngoài trời mang tên “NEX by VinaPhone” với sự tham gia của nhóm nhạc Above & Beyond được Buzzmetrics xếp hạng thứ 5 trong tổng số 10 sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội tháng 5/2018.

#7. Vingroup

Năm thành lập: 1993

Giá trị: 307,2 triệu đô la Mỹ

Vingroup là tập đoàn kinh doanh đa ngành hiện đang sở hữu nhiều thương hiệu riêng lẻ trong các ngành hàng khác nhau.

Hệ sinh thái các thương hiệu của Vingroup đều bắt đầu với chữ “Vin”: Vinhomes (bất động sản), VinFast (xe hơi), Vinpearl và Vinpearl Land (khách sạn, nghỉ dưỡng), Vincom Retail (trung tâm thương mại), Vinmart (chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán lẻ), VinEco (nông nghiệp), Vincommerce (thương mại điện tử), Vinmec (y tế), Vinschool (giáo dục), VinFa (dược phẩm)…

thương hiệu Vingroup

Trong 1 năm qua, tập đoàn của tỉ phú Phạm Nhật Vượng chứng tỏ là một trong các công ty tư nhân phát triển năng động nhất Việt Nam khi công bố nhiều hoạt động kinh doanh táo bạo, mang tính đột phá.

Đáng chú ý nhất là tháng 9/2017, Vingroup thành lập VinFast, mảng kinh doanh xe hơi, dự kiến sẽ cho nhũng sản phẩm đầu tiên vào năm 2019. Đầu năm 2018, tập đoàn này tiếp tục tuyên bố thành lập nhánh kinh doanh dược phẩm VinFa và ngay sau đó tuyên bố rót vốn sản xuất điện thoại thương hiệu VinSmart. Dù kinh doanh đa ngành nhưng nhánh kinh doanh bất động sản vẫn đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này.

Tiền thân Vingroup là công ty Technocom hoạt động tại Ukraine do ông Phạm Nhật vượng sáng lập vào năm 1993. Tập đoàn này bắt đầu chuyển dịch kinh doanh về Việt Nam đầu thập niên 2000. Thời gian đầu họ chỉ kinh doanh du lịch, bất động sản và bất động sản thương mại.

#8. Masan Consumer

Năm thành lập: 1996

Giá trị: 238 triệu đô la Mỹ

Theo nghiên cứu khảo sát của Neilsen và Kantar Worldpanel, 98% hộ gia đình Việt Nam hiện sử dụng ít nhất một sản phẩm của công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Theo bảng xếp hạng Brand Footprint của Kantar Worldpanel 2017, năm qua Masan Consumer tiếp tục nằm trong Top 3 nhà sản xuất đang sở hữu các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ở cả thành thị và nông thông Việt Nam trong 5 năm vừa qua.

Masan Consumeer cho biết, họ đang sở hữu hệ thống phân phối 190.000 điểm bán lẻ cho sản phẩm thực phẩm và 130.000 điểm bán sản phẩm đồ uống. Công ty tư nhân này tuyên bố đang nắm giữ 35% thị phần cà phê hòa tan, 67% thị phần nước tương, 71% thị phần tương ớt, 66% thị phần nước mắm, 21% thị phần mì gói.

thương hiệu Masan

Masan Consumer đang sở hữu nhiều thương hiệu quen thuôc với hàng triệu người Việt Nam như: Chin-su, Tam Thái Tử, Nam Ngư, mì Omachi, Sagami, Tiến Vua…

Thông qua chiến lược M&A, Masan Consumer nắm nhiều thương hiệu lâu năm, có mức độ nhận biết rộng rãi như Vincafe Biên Hòa, Vĩnh Hảo. Sau khi M&A, họ cũng lập các thương hiệu mới như Bia Sư Tử Trắng, Cafe Wake Up… Bên cạnh thị trường nội địa, sản phẩm nước mắm thương hiệu “Chin-su Yod Thong” đã được Masan tung ra thị trường Thái Lan.

Dù được đầu tư bài bản và có tần suất xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông nhưng một số quảng cáo của Masan Consumer gây ra nhiều sự tranh cãi trên mạng xã hội.

#9. Vietcombank

Năm thành lập: 1963

Giá trị: 177,9 triệu đô la Mỹ

Trong hệ thống tài chính Việt Nam, Vietcombank được biết đến với hình ảnh một ngân hàng hoạt động chuẩn mực, tuân thủ các quy định của pháp luật, hoạt động an toàn và bền vững, bắt kịp với các xu hướng thay đổi của Quốc Tế. Tính đến cuối năm 2017, ngoài trụ sở chính, Vietcombank có 101 chi nhánh, 397 phòng giao dịch hoạt động tại 53 tỉnh thành.

Xuất phát điểm từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, hiện nay Vietcombank đã thiết lập mạng lưới với 2.105 ngân hàng đại lý tại 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngân hàng này có tổng tài sản hơn 1.035 ngàn tỉ đồng, xếp thứ ba nhưng được Moody đánh giá là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trong hệ thống.

thương hiệu Vietcombank

Về sản phẩm, vietcombank được biết đến với vai trò ngân hàng có thế mạnh trong việc cung cấp nhiêu dịch vụ, tiêu biểu như: dịch vụ thẻ, chuyển tiền, kinh doanh ngoại hối.

Năm 2017, Vietcombank là thương hiệu ngân hàng duy nhất trong 11 thương hiệu Việt Nam có mặt trong danh sách 1.000 thương hiệu mạnh nhất Châu Á theo đánh giá của công ty nghiên cứu thăm dò thị trường Nielsen. Năm nay, Vietcombank tiếp tục nằm trong danh sách Global 2000 năm 2018 của tờ Forbes ở vị trí 1.294, dẫn đầu trong ba ngân hàng Việt Nam góp mặt.

#10. FPT

Năm thành lập: 1988

Giá trị: 169 triệu đô la Mỹ

Sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, FPT – công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam tập trung hoạt động kinh doanh vào ba khối chính: công nghệ, viễn thông và giáo dục. Với chiến lược cung cấp thêm nhiều dịch vụ hơn để gia tăng số lượng khách hàng, mảng viễn thông đã đem về doanh thu lớn cho FPT.

thương hiệu FPT

Không những vậy, hoạt động gia công phần mềm từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là hoạt động chính trong mảng phát triển phần mềm FPT, giúp mảng này giữ mức tăng trưởng đều 20%. FPT Software – công ty con trực thuộc FPT, vừa công bố mua lạ Intellinet – công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Atlanta, Mỹ.

Các thương hiệu đắt giá tiếp theo

#11. Viettinbank (153,6 triệu USD)

#12. BIDV (146,2 triệu USD)

#13. VPBank (99,2 triệu USD)

#14. Vincom Retail (91,6 triệu USD)

#15. Techcombank (89,2 triệu USD)

#16. Việt Nam Airlines (88,3 triệu USD)

#17. Thế Giới Di Động (86,2 triệu USD)

#18. Vietjet Air (85,5 triệu USD)

#19. Hòa Phát (84,6 triệu USD)

#20. Thaco (81 triệu USD)

#21. Petrolimex (79,8 triệu USD)

#22. NutiFood (78 triệu USD)

#23. Ngân hàng Quân đội (76,4 triệu USD)

#24. Tập đoàn Bảo Việt (74,3 triệu USD)

#25. TH Milk (69,8 triệu USD)

#26. PNJ (61,7 triệu USD)

#27. Dược Hậu Giang (53,7 triệu USD)

#28. Saigontourist (52,7 triệu USD)

#29. Habeco (48,6 triệu USD)

#30. VNG (47,2 triệu USD)

#31. Novaland (44,7 triệu USD)

#32. Tập đoàn Trung Nguyên (42 triệu USD)

#33. ACB (37,5 triệu USD)

#34. Đường Quảng Ngãi (36,6 triệu USD)

#35. Tập đoàn TTC (36,5 triệu USD)

#36. PVI (32,7 triệu USD)

#37. Đạm Phú Mỹ (30,9 triệu USD)

#38. SSI (30,8 triệu USD)

#39. Nhựa Bình Minh (27,6 triệu USD)

#40. HD Bank (26,7 triệu USD)