1

Bạn chưa có ý tưởng thiết kế?

UPLEVO có hàng trăm ý tưởng giúp BẠN tự tạo thiết kế ưng ý nhất!
Thiết kế ngay

Design box

phong cách thiết kế Vintage design

Vintage là gì? Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, bạn cũng có thể bắt gặp những sản phẩm thiết kế theo phong cách vintage. Từ hàng thập niên về trước, chúng ta đã định hình trào lưu vintage, để chúng vừa có thể mang dáng dấp hiện đại, lại vẫn giữ cho mình cái hồn của những ngày xưa cũ.

Hãy thử ngắm nhìn những ngôi nhà Pháp cổ trên con đường Phan Đình Phùng huyền thoại, hay những kiến trúc vintage đậm màu rêu phong như Nhà hát Lớn hay Ngân hàng Quốc gia, bạn sẽ tìm cho mình nguồn cảm hứng cho mình, và truyền những ý tưởng độc đáo tưởng chừng như vô tận vào những sản phẩm thiết kế của mình.

 

Thiết kế Vintage là gì?

Tựu chung lại, Vintage là những thiết kế theo trường phái thường sử dụng những đặc điểm, văn hóa và phong cách từ những thập niên trước đây, chủ yếu là thành tố phổ biến, đã từng là xu hướng thời thượng cách đây hàng chục năm về trước.

Và đứng trước trào lưu vintage đang quay trở lại, còn gì tuyệt vời hơn việc thổi vào những sản phẩm thiết kế của bạn những dấu ấn không thể phai nhòa thấm đượm màu hoài niệm, kèm những điểm xuyết không kém phần nổi bật của hơi thở thời hiện đại?

Hãy cùng chúng tôi khám phá những bí kíp để có thể “phá đảo” trào lưu, trở thành bậc thầy trong vintage design!

>>> Tham khảo thêm các bài viết về xu hướng thiết kế của năm 2019:

+ Xu hướng thiết kế bao bì 2019 
+ Xu hướng thiết kế tối giản

 

Điểm khác biệt giữa thiết kế Vintage và Retro 

Vintage và Retro - Hai trường phái tưởng một mà hai, tưởng tương đồng mà có nhiều điểm khác biệt. Vậy sự khác nhau giữa hai phong cách thiết kế này là gì? 

Vintage thường được hiểu trong giới design là những sản phẩm thiết kế được tạo ra trong quá khứ, còn retro là thuật ngữ chỉ trường phái thiết kế các sản phẩm hiện đại nhưng mang những đặc điểm, phong cách thời quá khứ. Vì vậy, những thiết kế theo trường phái vintage thường “áp nguyên xi” phong cách thiết kế trong quá khứ, còn retro phần nào đó khiến người xem cảm nhận được hơi thở hiện đại trong đó.

sự khác biệt giữa thiết kế vintage và retro 1   sự khác biệt giữa thiết kế vintage và retro 2

Dù vậy, những sản phẩm thiết kế theo trường phái vintage được ví dụ đề cập trong bài này cũng không phải là sản phẩm vintage đích thực, chúng được coi là những sản phẩm “lấy cảm hứng vintage”.

Nhưng trong thực tế, sự tách bạch giữa retro và vintage là không rõ ràng. Hai khái niệm này hiện nay dường như đều dùng để chỉ một thiết kế hiện đại mang hơi hướng hoài cổ.

 

Các trường phái trong phong cách thiết kế Vintage

 

1. Art deco

Art Deco phổ biến trong những năm 1920 và 1930. Nó nổi tiếng với việc xây dựng lối kiến trúc theo hướng tân thời, nhân tạo. Đặc điểm của trường phái thiết kế này là những hình khối đối xứng, được lý tưởng hóa bởi con người.

Một thiết kế theo trường phái Art deco, sử dụng bảng màu hạn chế, với những hình khối lớn, cân đối, khỏe khoắn, mang tính hình tượng cao:

art deco trong thiết kế vintage

 

2. Art nouveau

Trường phái này được khởi nguồn từ cuối thế kỷ XIX, và hưng thịnh cho tới những năm 1910 của thế kỷ XX. Lối phong cách thiết kế Vintage này là sự cách điệu của những đường nét cong, những chi tiết phức tạp, lấy cảm hứng từ cây cỏ hoa lá thiên nhiên.

Art Nouveau là sự tổng hòa của những đối tượng và họa tiết vô cùng đẹp mắt, như thiết kế dưới đây, các lớp hoa và các mảng tóc của người phụ nữ như hòa quyện vào nhau:

art nouveau trong thiết kế vintage

Vẻ đẹp tự nhiên chính là giá trị cốt lõi của Art Nouveau, thay vì những sắp đặt có chủ đích mang tính nhân tạo. Bạn có thể nhận thấy sự tương phản cao giữa các màu sắc, những họa tiết được miêu tả vô cùng chi tiết, và sự nhấn mạnh vào cây cỏ, hoa lá, với đối tượng chính là những người phụ nữ trẻ.

 

3. Vintage badges

Chiếc huy hiệu và tem tưởng chừng như chỉ còn vương lại trong thời quá khứ, nhắc lại cho chúng ta những hoài niệm về thời xưa cũ với các tác phẩm nghệ thuật cổ điển trên chất liệu giấy, gỗ và kim loại.

Những logo được thiết kế theo phong cách Vintage như những huy hiệu ngày càng trở nên phổ biến

vintage badges trong thiết kế vintage

Những thiết kế theo trường phái này làm sống dậy những cảm xúc về một thời huy hoàng của thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

 

4. Letterpress

Letterpress là những sản phẩm được thiết kế giống hệt như những tờ rơi, tờ quảng cáo của những ngày xưa cũ.

letterpress trong thiết kế vintage

Có rất nhiều những thiết kế khác nhau trong trường phái thiết kế Letterpress, với vô số các biến thể. Điểm kết nối giữa những thiết kế này đó chính là sự đơn giản. Letterpress design thường sử dụng bảng màu và typography khá đơn giản.

Ngoài ra, để tăng sự trải nghiệm trong các thiết kế letterpress, bạn nên sử dụng những thủ thuật trong in ấn cho thiết kế của mình, như ép nổi chữ, cán mờ thiết kế,...

 

5. Mid-century modern

Với trường phái này, hãy nghĩ về tương lai. Nhưng không phải “tương lai” mà tất cả chúng ta đều đang nghĩ, mà là “tương lai” theo lối suy nghĩ của những năm 50, 60 của thế kỷ trước.

mid century modern vintage

Với Mid-century modern, bạn sử dụng các đường nét rõ, thẳng, cùng những hình khối cong nhẹ. Sự kết hợp này khiến bản thiết kế trở nên mềm mại, tròn trịa hơn, ngay cả khi những hình khối cong được bao ngoài bởi những chi tiết cứng, bất động. Những thiết kế này được lấy cảm hứng từ phong cách thiết kế Vintage của những năm giữa thế kỷ XX.

 

6. Punk

Punk rock rất phổ biến trong những năm 70 của thế kỷ XX, chúng được coi là thể loại pop trong âm nhạc thời kỳ đó vậy. Sự nổi loạn trong các thiết kế theo trường phái punk cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

punk trong thiết kế vintage

Punk tạo cho con người ta cảm giác muốn bứt phá, nổi loạn. Những đường nét xù xì, màu sắc có độ tương phản cao, và hình ảnh đầy phá cách chính là đặc điểm và phong cách chính của trường phái thiết kế này. Nếu bạn muốn đưa ra một tuyên ngôn mới, hay muốn khẳng định một lẽ sống mới, đây chính là trường phái thiết kế bạn cần.

 

7. Steampunk

Thật khó để có thể diễn đạt về Steampunk, nhưng nó chính là lối thiết kế hình dung về “tương lai”, nhưng “tương lai” theo góc nhìn của một con người từ thế kỷ XIX, XX. Hãy thử tưởng tượng về chiếc máy bay chạy hơi nước, hay chiếc phi thuyền chạy năng lượng than đi, steampunk cũng giống giống vậy. Trường phái steampunk là một nhóm nhỏ nằm trong trường phái thiết kế Vintage - Retrofuturism rộng hơn (hình dung “tương lai” theo cái nhìn từ quá khứ).

steampunk trong thiết kế vintage

 

8. Atomic age

Một nhánh khác của Retrofuturism, Atomic age chính là cái nhìn lạc quan của tập niên 50, 60 của thế kỷ XX về tương lai, kỷ nguyên của sự chinh phục vũ trụ và khát vọng vươn tới không gian rộng lớn.

Các thiết kế theo lối Atomic age thường lạc quan, hài hước, nhắc lại các trend từ thập niên 50, 60. Dưới đây là một thiết kế của Band Camp

atomic age trong thiết kế vintage

 

9. Swiss style

Swiss Style, hay còn được biết đến với cái tên Phong cách Quốc tế, là trường phái nghệ thuật được hình thành ở châu Âu nửa đầu thế kỷ XX. Swiss Style gây ấn tượng mạnh cho người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên:

swiss style trong thiết kế vintage

Ngay trong thời điểm cực thịnh, các thiết kế chuẩn Thụy Sỹ rất được ưa chuộng tại Nga, Đức và cả Hà Lan. Trường phái Swiss style sử dụng các khối chữ lớn, đậm, với background nổi bật. Nó còn sử dụng những tông màu mạnh, tạo hiệu ứng như một thiết kế nổi ba chiều.

 

10. Vaporwave

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất theo trường phái Vaporwave chính là bìa của album nhạc Floral Shoppe. Thiết kế này đã đi vào biểu tượng, với nền hồng, bức tượng hình Helios, ký tự tiếng Nhật,...

vaporwave trong thiết kế vintage

Vaporwave là một trường phái thiết kế mới, nổi lên dựa trên sự lan truyền trên mạng Internet. Khởi đầu chỉ là một thể loại nhạc, Vaporwave gắn liền với kiểu nhạc hòa tấu dễ nghe mang hơi hướng của thập niên 1980, 1990. Trên phương diện thiết kế, trào lưu này là tổng hòa của tông màu pastel, các vector hình khối, và những đặc điểm nhuốm màu ký ức.

Nhìn vào một tác phẩm Vaporwave, người ta hình dung ra đây là đồ họa của một tựa game điện tử bấm nút 8-bit, hoặc là một tác phẩm nghệ thuật vô thực được sáng tạo ra cách đây 20 - 30 năm về trước.

 

Khi nào chúng ta nên sử dụng các thiết kế vintage?

Lý do quan trọng để sử dụng các thiết kế vintage, đó chính là để gợi nhớ những ký ức thời xa xưa. Khi khách hàng cảm thấy thân quên với sản phẩm, và sẵn sàng gắn bó họ một phần với thương hiệu đó, đấy chính là lúc sản phẩm của bạn “ghi điểm” trong lòng khách hàng. Các thiết kế vintage là một phương thức để chiếm lấy “trái tim” của khách hàng, từ những điều thân quen, thân thuộc. 

Năm 2010, Pepsi cho ra mắt Pepsi Throwback, một sản phẩm nước giải khát có vị ngọt được làm bằng đường nguyên chất, thay vì sử dụng xi-rô ngô có hàm lượng fru-tô-zơ cao. Sau đó, Pepsi thay đổi bao bì cho nhãn hàng này, với thiết kế đậm hướng vintage

pepsi thay đổi theo phong cách thiết kế vintage 1   pepsi thay đổi theo phong cách thiết kế vintage 2

Một thiết kế theo trường phái vintage còn có thể làm nổi bật những tính năng đặc sắc của sản phẩm, như sản phẩm đó sử dụng những công thức gia truyền, hoặc với cách sản xuất truyền thống. Đó cũng là lý do vì sao thiết kế vintage lại phù hợp với những sản phẩm thủ công, hoặc mang tính “đặc sản gia truyền” đến vậy.

Những nhãn hiệu đi cùng năm tháng hoàn toàn có thể sử dụng những thiết kế vintage, như một cách để nói với khách hàng rằng họ có một chỗ đứng vững chắc trong lòng nhiều thế hệ. Việc thay đổi bộ nhận diện của những thương hiệu này hoàn toàn có thể khiến họ mất đi một lượng lớn những khách hàng trung thành.

cocacola theo thiết kế vintage

Có một lời khuyên dành cho các designer, rằng “Gừng càng già càng cay”, đừng nên thay đổi phong cách thiết kế cho một thương hiệu khi không quá cần thiết để thực hiện điều đó. Với nhiều tên tuổi lớn, nhất là những tên tuổi đã gắn bó với nhiều thế hệ, việc sử dụng các thiết kế vintage không hẳn là một chiến lược. Họ chỉ đơn giản là giữ phong cách thiết kế và bộ nhận diện trong một thời gian dài, vô hình chung biến chúng trở nên “vintage” sau nhiều năm.

 

Tại sao các thiết kế vintage lại gây sốt hiện nay?

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mọi thứ đang phát triển quá nhanh. Nhìn vào những thiết kế vintage khiến ta cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Chẳng phải quá khứ là nơi trú ẩn an toàn, mà những ngày xưa cũ đẹp đẽ ấy luôn để lại trong chúng ta những kỷ niệm đẹp, nhất là với thế giới xô bồ ngoài kia.

 tại sao các thiết kế vintage lại hot 1

Những nhà Marketer đại tài luôn biết cách “ghi điểm” trong mắt khách hàng. Và cách tốt nhất để đi đến trái tim của họ chính là những thiết kế vintage. Thoát li ra khỏi cuộc sống bộn bề vô định, quá khứ bao giờ cũng khiến người ta có một cảm giác an tâm, vì họ biết “cái kết của nó sẽ như thế nào”.

Giống như ta xem lại bộ phim yêu thích của mình vậy, dù bạn xem 10 lần, hay 100 lần, bạn cũng cảm thấy thoải mái hơn với những điều thân quen, vì bạn biết chắc “cái kết của nó sẽ như thế nào”. Rõ ràng, sử dụng những điều thân quen, ưa thích trong lòng khách hàng là cách ngắn nhất để thương hiệu của họ có thể kết nối tới họ, tới “tận sâu trong trái tim mỗi con người”.

tại sao các thiết kế vintage lại hot 2

Thêm vào đó, các thiết kế vintage như là một sự lựa chọn mới mẻ, bên cạnh đầy rẫy những thiết kế tối giản, “kỹ thuật số” vô hồn ngoài kia.

Một khi sự hoài niệm chạy đến đúng trái tim của khách hàng, sẽ chẳng còn gì ngoài những quãng thời gian tuyệt vời và những kỷ niệm đẹp. Quãng thời gian ấy gợi nhớ trong họ những ngày tháng vô lo vô nghĩ, chẳng phải bận tâm tới cơm áo gạo tiền.

Nhưng xin hãy lưu ý, từng trường phái thiết kế vintage chỉ phù hợp với một đối tượng khách hàng nhất định, bởi ký ức trong mỗi thế hệ là khác nhau. Chính vì thế, trước khi lựa chọn trường phái vintage phù hợp, bạn cần tìm hiểu đối tượng khách hàng đặc trưng của mình, như Vaporwave thì phù hợp với thế hệ khách hàng thế hệ Millennials (thế hệ những người sinh ra từ năm 1980 đến 1998), chứ không phải thế hệ Baby Boomer (những người sinh sau thế chiến thứ 2).

 

Làm thế nào để trở thành bậc thầy của vintage design?

Khi bạn chắc chắn thiết kế các sản phẩm của mình theo hơi hướng vintage, giờ đã đến lúc chúng ta cần xác định xem: Làm thế nào để có thể trở thành bậc thầy trong vintage design. Bạn không nhất thiết phải khiến toàn bộ sản phẩm của bạn phải vintage hoàn toàn.

Thương hiệu của bạn hoàn toàn có thể là sự kết hợp của những yếu tố hiện đại và hoài niệm, hoặc là sự tổng hòa giữa những thành tố trong từng thời kỳ khác nhau (kiểu như một chút streampunk trong thiết kế, nhưng font chữ làm người ta gợi nhớ đến mid-century modern, và ấn phẩm được in ra như một letterpress chẳng hạn).

sử dụng xu hướng thiết kế vintage

“Việc truyền tải hơi thở từ quá khứ qua những ấn phẩm thiết kế digital đòi hỏi nhà thiết kế phải vô cùng cẩn thận. Đó là lý do vì sao những yếu tố về ánh sáng và đổ bóng lại là “trái tim” của những thiết kế vintage”. - sign2in

Một trong những điểm bạn cần lưu tâm khi thiết kế ấn phẩm vintage, đó chính là khía cạnh về thị giác. Hãy chú ý tới các yếu tố như tông màu, font và layout - bố cục của thiết kế.

>>> Layout là gì? Hướng dẫn dàn trang bố cục trong thiết kế

 

1. Tông màu

Với từng thời kỳ khác nhau, bạn cần sử dụng một tông và bảng màu khác nhau, thể hiện đặc điểm và đặc trưng của thời kỳ đó. Để tham khảo, bạn hãy nhìn vào những bản thiết kế của chính thời kỳ đó để lấy cảm hứng cho mình. Nhưng điều đó là chưa đủ, hãy tìm hiểu thêm cách phương thức làm sao để có thể trộn và tổng hòa màu sắc sao cho phù hợp với ngành nghề và nhãn hàng thương hiệu của bạn.

Lấy ví dụ là một thiết kế mang hơi hướng vintage rất đẹp mắt của Düsseldorf ở bên dưới. Nhà thiết kế vectro có thể đem đến cho bạn vài lời khuyên hữu ích về cách lựa chọn tông màu phù hợp:

tông màu thiết kế vintage 1   tông màu thiết kế vintage 2

“Tôi bắt đầu với việc lựa chọn màu cho background. Trong bản thiết kế, tôi muốn nó mang màu sắc tích cực, vì vậy tôi chọn màu xanh dương. Rồi tôi chọn bảng màu đất cho các đối tượng trong background, phần lớn chúng nét tương đồng nhất định về màu sắc. Cuối cùng, tôi để các nhân vật trong bức họa có màu tương phản so với background”.

 

2. Font chữ

Hãy lựa chọn font chữ với trường phái vintage phù hợp (tất nhiên là phù hợp với thời kỳ quá khứ tương ứng). Một bí kíp hữu ích khi bạn lựa chọn font cho ấn phẩm thiết kế của mình, đó là: Hãy nghĩ đến những công nghệ máy móc mà thời kỳ đó sử dụng.

font chữ thiết kế vintage 1   font chữ thiết kế vintage 2

Chẳng hạn, với những thiết kế theo trường phái Vaporwave, vốn đặc trưng cho thời kỳ 1980 - 1990, font chủ đạo phải những font mang hơi hướng 8-bit, hoặc mang hơi hướng “đèn neon” (thứ đèn biểu hiện phổ biến trong thập niên 80, 90). Khi thiết kế một letterpress, bạn nên sử dụng những font khiến người xem liên tưởng tới những tờ rơi, tờ quảng cáo từ thập niên 50 - 60 của thế kỷ XX.

>>> Xu hướng font chữ 2019

Tất nhiên, hãy tham khảo các thiết kế thực trong quá khứ để có thêm cảm hứng cho bản thiết kế của bạn.

 

3. Layout - Bố cục

Cách bạn bố trí các đối tượng trong thiết kế cũng khiến ấn phẩm của bạn trở nên vintage hơn. Một trong những lưu ý trong việc thiết kế vintage, đó là bạn phải bố trí và sử dụng các đối tượng làm sao cho chúng mang đúng dáng dấp của thời kỳ đó.

Ví dụ như, khi bạn thiết kế một ấn phẩm làm người xem gợi nhớ đến thời kỳ Victoria, nơi mà người ta vẫn còn đi xe ngựa với dùng tàu hỏa động cơ hơi nước, bạn tuyệt đối không nên sử dụng đồ họa 3D và các hình ảnh độ nét cao. Thứ bạn cần ở đây là những thiết kế chi tiết, tông màu tối, nâu đỏ, hoặc các font nổi (sử dụng việc đổ bóng hoặc ánh sáng thay vì sử dụng đồ họa 3D kỹ thuật số).

layout bố cục thiết kế vintage

Hãy cẩn thận trong việc tổng hợp các thành tố trong bản thiết kế, từ font, màu sắc, bố cục cho tới hình minh họa. Hãy bố trí chúng thật cẩn trọng và theo một mục đích nhất quán, nếu không muốn bản thiết kế của bạn trở nên lộn xộn và trở thành nồi “lẩu thập cẩm” theo đúng nghĩa của nó. Như Steampunk thì phải mang đúng cái hồn của thời kỳ Victoria cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cần phải phân tách nó với những trường phái khác như cyberpunk,... Hãy tìm hiểu những chỉ dẫn sau để có được một bố cục chuẩn vintage:

 

4. Tìm điểm cân bằng giữa thiết kế Vintage và hiện đại

“Chơi” với bản thiết kế vintage của bạn. Bạn hoàn toàn có thể cài một vài yếu tố hiện đại bên trong thiết kế vintage, hoặc tạo ra một bản thiết kế kiểu retro, và biến nó “cũ đi” bằng một vài thành tố của 20, 50 hoặc thậm chí 100 năm trước (như màu sắc, những vết sước, vết ố,...).

Đừng bỏ qua một số lưu ý giúp bản thiết kế của bạn thân thiện hơn trong môi trường kỹ thuật số, như tính tương tác của design, sử dụng font thân thiện với môi trường web,... khi bạn thiết kế một ấn phẩm mang hơi hướng vintage. Đừng quên rằng khách hàng của bạn - người xem - là những người của thế kỷ XXI. Điều đó đồng nghĩa, bản thiết kế của bạn phải phù hợp với nền tảng kỹ thuật số và di động.

 

Đừng sử dụng thiết kế vintage, khi…

Trong một thị trường với những đối thủ cạnh tranh đều sử dụng bộ nhận diện thương hiệu hiện đại, những thiết kế mang hơi hướng cổ xưa, Vintage của bạn có thể nổi bật giữa đám đông.

tide sử dụng thiết kế bao bì vintage

Nhưng hãy cẩn trọng khi lựa chọn trường phái thiết kế này. Trong một số ngành kinh doanh, nhất là ngành công nghệ cao và dược phẩm, vintage không hề phù hợp chút nào khi thiết kế các ấn phẩm. Nó rõ ràng đi ngược lại kỳ vọng của khách hàng về một sản phẩm tiên tiến, hiện đại, đi trước thời đại. Nếu bạn thiết kế theo xu hướng Vintage cho các sản phẩm thuộc ngành này, khách hàng có thể coi sản phẩm của bạn là lỗi thời, là một sự “thụt lùi”.

Nên nhớ rằng công nghệ thời quá khứ thì thường chậm chạp, bất tiện và thiếu tương thích. Còn thuốc thời xa xưa thì kém hiệu quả, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng nó.

Bên cạnh đó, đừng sử dụng các thiết kế vintage khi sản phẩm của bạn không gợi khách hàng đến bất kỳ ký ức nào. Khi đó thiết kế của bạn sẽ chẳng có nghĩa lý gì.

 

Hãy khiến thiết kế Vintage của bạn trở nên trường tồn với thời gian

Vintage có nghĩa là trường tồn. Đó là lý do vì sao con người ta yêu những hoài niệm đến vậy. Rõ ràng, trào lưu “thời thanh xuân tươi đẹp” vẫn còn rất hot và chưa có dấu hiệu thoái trào.

“Mỗi khi tôi bước vào siêu thị, điều khiến tôi chú ý nhất chính là những thương hiệu đặc sản và cổ truyền. Những nhãn hiệu mang hơi hướng vintage đi kèm với thương hiệu ấy nói lên được rất nhiều điều về sản phẩm. Câu chuyện về lịch sử thương hiệu như gói gọn trong nhãn hiệu." - Wooden Horse.

làm cho thiết kế vintage trở nên trường tồn

Bên cạnh việc gợi cho khách hàng đến những hoài niệm đẹp, Vintage design còn khiến cho những thiết kế của bạn trở nên trường tồn, và không bao giờ trở nên lỗi thời, và phần nào đó, luôn mới mẻ.

Hãy nhớ rằng, vintage không phải là sự lựa chọn cho bất kỳ thương hiệu nào. Nếu bạn không chắc trong việc lựa chọn trường phái vintage cho thiết kế của mình, hãy thử trả lời những câu hỏi dưới đây để có được một quyết định đúng đắn: 

1. Người xem ấn phẩm của bạn là ai?
2. Thông điệp bạn muốn truyền tải cho sản phẩm là gì?
3. Điểm bất lợi khi sử dụng thiết kế vintage cho ấn phẩm truyền thông của bạn là gì?
4. Đối thủ cạnh tranh sẽ lựa chọn phương thức thiết kế nào cho sản phẩm của họ? Vì sao họ đưa ra sự lựa chọn đó?

Sẽ chẳng khó khăn gì để trả lời những câu hỏi kể trên. Chúng còn giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn khi lựa chọn phong cách thiết kế cho ấn phẩm truyền thông nữa.

>>> 14 Phong cách thiết kế bạn cần biết

Vintage có thể khơi gợi nhiều cảm xúc tới người xem. Cảm xúc ấy chính là những ký ức và hoài niệm về một thời xưa cũ. Nhưng một thương hiệu tốt đâu chỉ có mỗi đem khách hàng về quá khứ. Nó còn phải mang một mục đích nhất định và truyền tải một thông điệp thực sự có ý nghĩa. Bạn cần xem lại những tác phẩm thiết kế thời xưa để tìm hiểu cách họ truyền tải thông điệp tới khách hàng. Biết đâu, bạn lại tìm cho mình nhiều cảm hứng và thổi chúng vào những tác phẩm do mình sáng tạo?

Tìm hiểu về Golden Ratio - Tỷ lệ vàng trong thiết kế

Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ trở thành bậc thầy trong phong cách thiết kế Vintage.

thicao thiết kế thương hiệu cao cấp
DMCA.com Protection Status